Thời tiết: 24 °C / 75 °F
Giờ địa phương:

103 – 105 Đường Võ Nguyên Giáp, Phường Khuê Mỹ, Quận Ngũ hành Sơn, Tp. Đà Nẵng, Việt Nam

7.0 km từ Sân bay Quốc tế Đà Nẵng

1 Room, 1 Adult, 0 Child, 1 Night
Room Type
* Best Price Guarantee
+
ĐẶT PHÒNGCLOSE

CÂU CHUYỆN VỀ
HÀNH TRÌNH CỦA MỘT DI SẢN

“Chúng tôi đặt tên dự án là Tàya House bởi lẽ Tàya được lấy cảm hứng từ tên gọi vùng Tây Bắc, một khu vực nổi tiếng với văn hóa dân tộc đa dạng và phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ. Tàya House mang trong mình nét đẹp và tinh thần của vùng Tây Bắc Bộ, nơi mà những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số được gìn giữ và phát huy. Tên gọi Tàya là để gợi chúng ta nhớ đến vùng đất Tây Bắc, nơi mà mỗi ngôi nhà, mỗi công trình đều là một phần của câu chuyện văn hóa, lịch sử phong phú và đầy màu sắc.…”

 

 

 

NGUYỄN ĐỨC QUỲNH

Tổng giám đốc Công ty CP Khu du lịch Bắc Mỹ An

(Furama Resort Đà Nẵng) 

Từ Xứ sở của đá về Thành phố của biển

Bình yên nép mình dưới những tán cây xanh mướt của vườn Lagoon – Furama Resort Đà Nẵng, nơi được biết đến là “Ốc đảo xanh giữa lòng thành phố”, Taya House thì thầm trò chuyện và kể cho du khách thập phương đến với Khu nghỉ dưỡng nghe câu chuyện thú vị về cuộc đời mình, với hành trình từ Mường Khụ – Xứ sở của đá về đến Đà Nẵng – Thành phố của biển xanh.

Sứ mệnh giữ gìn và bảo tồn văn hoá

Tàya House bình yên nép mình dưới những tán cây xanh mướt của vườn Lagoon, nơi từng được nhà văn nổi tiếng Vũ Tú Nam ví von như một khu rừng Việt Bắc – có sông, có suối, có những núi đá lớn nhỏ, những con đường quanh co,… Dự án Tàya House là một sáng kiến nhằm phục hồi và bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc thông qua việc tái hiện các ngôi nhà sàn truyền thống của đồng bào vùng cao Việt Nam do đích thân ông Nguyễn Đức Quỳnh – Tổng Giám đốc của Công ty Cổ phẩn Khu du lịch Bắc Mỹ An, đơn vị quản lý Quần thể Du lịch quốc tế Ariyana – Furama, làm Trưởng Dự án.

“Chúng tôi đặt tên dự án là Tàya House bởi lẽ Tàya được lấy cảm hứng từ tên gọi vùng Tây Bắc, một khu vực nổi tiếng với văn hóa dân tộc đa dạng và phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ. Tàya House mang trong mình nét đẹp và tinh thần của vùng Tây Bắc Bộ, nơi mà những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số được gìn giữ và phát huy. Tên gọi Tàya là để gợi chúng ta nhớ đến vùng đất Tây Bắc, nơi mà mỗi ngôi nhà, mỗi công trình đều là một phần của câu chuyện văn hóa, lịch sử phong phú và đầy màu sắc.…” Ông Quỳnh cho biết.

Ngôi nhà sàn cổ của người Mường

Trong suốt hơn một năm tìm kiếm và lựa chọn, Ban dự án của Furama Resort Đà Nẵng đã xem xét nhiều ngôi nhà sàn từ những khu vực khác nhau từ vùng Đông Bắc Bộ đến Tây Bắc Bộ… Cuối cùng, một ngôi nhà sàn của đồng bào Mường tại Hòa Bình đã được lựa chọn bởi sự đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về yếu tố văn hóa, pháp lý, thẩm mỹ và kỹ thuật. Để xác minh thông tin và đảm bảo tính chính xác, ông Quỳnh đã cử một nhóm ba người gồm ông Đặng Ngọc Minh Trung – chuyên gia về gỗ và cố vấn cấp cao của Dự án, ông Hoàng Việt Hải—Chuyên viên xây dựng cao cấp, và bà Bùi Thị Lệ Thuyền – Giám đốc pháp lý của Furama Resort Đà Nẵng, và là một người đam mê tìm hiểu về phong tục tập quán của các dân tộc Việt Nam, đến tận nơi để tiến hành các thủ tục cần thiết.

Kiến trúc của ngôi nhà bao gồm ba gian và hai chái, mái lợp lá cọ với không gian thiết kế mở tạo sự liên kết và gần gũi với thiên nhiên. Được làm chủ yếu là từ gỗ trai và gỗ sến, những loại gỗ tốt, có độ bền cao và rất được ưa chuộng trong văn hóa xây dựng nhà truyền thống của người Mường với kỹ thuật thi công hoàn toàn là thủ công truyền thống với các dụng cụ nghề mộc đơn giản như chàng, đục, cưa, bào. Các cấu kiện được xẻ suông, được đẽo gọt, bào phẳng, đục mộng và ghép nối, chằng buộc với nhau một cách liên hoàn. Ở những vị trí như cầu thang, ván sàn được bào phẳng thuận tiện cho sử dụng còn ở những vị trí khác như thân cột, thân xà thì chỉ xẻ vuông hoặc đẽo gọt sơ sài. Tại Hoà Bình, để dựng được ngôi nhà sàn cho riêng mình, người dân tộc phải đi sâu vào rừng, hạ cây bằng tay và vận chuyển những khối gỗ nặng vài tạ về bản, hoàn toàn bằng sức người, tích góp qua nhiều năm tháng. Tàya House mang đậm nét văn hoá kiến trúc độc đáo của dân tộc Mường cùng với gần 50 năm câu chuyện lịch sử của riêng nó.

Hơn cả một ngôi nhà sàn

Theo câu chuyện được chia sẻ bởi chính gia chủ bên bếp lửa bập bùng sau bữa cơm chiều đãi khách, Tàya House là kết tinh của tình yêu, sự kiên trì và lòng quyết tâm xây dựng tổ ấm của vợ chồng Ông Bùi Văn Minh và Bà Bùi Thị Nhầm ba mươi năm về trước. Người chồng bồi hồi nhớ lại, “hai vợ chồng ông về với nhau theo mai mối của gia đình hai bên, khi cô dâu vừa bước vào tuổi trăng tròn và chú rể vừa tròn đôi mươi. Theo tục lệ của người Mường khi ấy, cô dâu chỉ được phép ở nhà bố mẹ chồng khoảng ba ngày một tuần, thời gian còn lại trong tuần cô dâu phải về nhà bố mẹ đẻ ở cho đến khi cô dâu đủ tuổi theo tục lệ địa phương hoặc mang thai con đầu lòng, cô dâu mới được phép về ở hẳn cùng gia đình chồng. Sống cùng đại gia đình, hai vợ chồng ông nung nấu mong muốn xây dựng một tổ ấm riêng cho mình và ước mơ về một mái nhà sàn do chính mình dựng lên đã luôn thôi thúc hai vợ chồng không ngừng nỗ lực để thực hiện”.

Ngôi nhà được khởi công xây dựng trong năm 2002, khi đôi vợ chồng trẻ đã tích góp đủ số gỗ cần thiết cho việc dựng nhà. Sau một thời gian dài lắp dựng với sự giúp sức của cả làng theo văn hóa của người Mường – “một hộ dựng nhà, cả làng đến giúp”, ngôi nhà đã được lắp dựng hoàn thiện. Ngôi nhà hoàn thành cùng với sự ra đời của bốn đứa trẻ (ba trai một gái) đã làm cho tổ ấm của đôi vợ chồng trẻ thêm phần trọn vẹn, và mỗi đứa trẻ đều mang theo một phần hy vọng và hạnh phúc cho tương lai. Có thể nói ngôi nhà không chỉ là một không gian để ở đơn thuần mà còn là biểu tượng của sự gắn bó và tình yêu lứa đôi, sự đoàn kết cộng đồng và quyết tâm trong việc giữ gìn giá trị văn hóa dân tộc qua nhiều thế hệ của đồng bào Mường.

“Vật quý tìm được quý nhân”

Trên vùng đất Mường Khụ – Xứ sở của đá, khi quyết định xây dựng một ngôi nhà mới bằng bê tông để phù hợp hơn với nhu cầu cư trú và điều kiện sống hiện đại theo nguyện vọng của các con, gia chủ đã quyết tâm tìm kiếm một nơi phù hợp nhất để gửi gắm kỷ vật của gia đình. Nơi được gia chủ chọn để chuyển giao ngôi nhà phải là nơi thấu hiểu, biết trân trọng và giữ gìn những giá trị văn hóa tinh thần mà ngôi nhà đại diện. Khi gặp gỡ đại diện Ban Dự án Tàya House, được biết đến Furama Resort Đà Nẵng – một khu nghỉ dưỡng với sự quan tâm đặc biệt đến việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc, gia chủ đã đồng ý chọn Furama Resort Đà Nẵng để “gửi vàng”. Sự trao gửi ngôi nhà của gia chủ cho Furama Resort Đà Nẵng không chỉ đảm bảo rằng ngôi nhà sẽ được phục dựng và giữ gìn một cách cẩn thận mà các giá trị văn hóa và tinh thần quý giá chứa đựng trong từng chi tiết của ngôi nhà được bảo tồn và lan tỏa mạnh mẽ đến cộng đồng. Nhờ cơ duyên đẹp, Tàya House đã đến với Furama Resort Đà Nẵng, đúng như người xưa đã nói “vật quý đã tìm được quý nhân”.

Hành trình về với thành phố biển

Hành trình tiếp nhận và tái dựng ngôi nhà cũng là một quá trình đầy cảm hứng và kỳ công. Những ngày cuối năm 2023, đại diện của Ban Dự án Tàya House đã không ngại đường đèo núi xa xôi, đi lại khó khăn trong điều kiện thời tiết giá lạnh của vùng cao Hòa Bình để mang về Đà Nẵng một phần quý giá của di sản văn hóa này. Việc tháo dỡ mỗi chi tiết của ngôi nhà đã được thực hiện vô cùng cẩn thận bởi các chuyên gia người bản địa, dưới sự giám sát chặt chẽ của dại diện Ban Dự án nhằm đảm bảo rằng toàn bộ cấu kiện của ngôi nhà được giữ nguyên vẹn, phục vụ cho công tác tái dựng nguyên bản của ngôi nhà. Từng chi tiết nhỏ của ngôi nhà được đánh dấu rõ ràng và khoa học theo phương thức thi công thủ công của người Mường, được tháo dỡ và đưa lên phương tiện vận chuyển một cách cẩn trọng.  Trong vòng một tuần, toàn bộ các cấu kiện của ngôi nhà đã được tháo dỡ và vận chuyển nguyên vẹn từ Hòa Bình về Đà Nẵng. Trong những ngày lưu trú và làm việc ở tại địa phương, đại diện Ban Dự án đã có cơ hội tiếp xúc và trò chuyện thân tình với gia chủ và người dân bản địa. Bên bếp lửa, gia chủ chậm rãi kể cho khách nghe về những kỷ niệm của gia đình đã gắn liền với ngôi nhà trong mấy chục năm qua. Qua mỗi lời tâm tình, khách cảm nhận được nỗi ngậm ngùi của gia chủ khi chia tay ngôi nhà, và thấu hiểu được nỗi niềm gia chủ muốn trao gửi cho Ban Dự án về tương lai của ngôi nhà. Khoảnh khắc chạm vào ánh mắt rưng rưng của gia chủ khi dõi theo chiếc xe tải chầm chậm lăn bánh đưa ngôi nhà về với thành phố biển, mỗi người trong Ban đại diện Dự án đều biết rất rõ bản thân và Ban Dự Án cần phải đối xử với ngôi nhà như thế nào để đáp lại tấm chân tình của gia chủ.

Sau nhiều tháng thi công kỹ lưỡng với sự tư vấn tỉ mỉ của hai nghệ nhân người Mường bản địa, Bùi Văn Quyến và Bùi Văn Như, được Ban Dự án mời vào Đà Nẵng hỗ trợ cho công tác thi công, ngôi nhà đã được dựng lại gần như nguyên bản trong khuôn viên vườn Lagoon của Furama Resort Đà Nẵng. Ngôi nhà được dựng với thế tựa lưng vào sườn dốc cao, mặt hướng nhìn ra hồ bơi trong vắt và được bao bọc bởi những dòng suối nhỏ chảy quanh. Không gian đặt ngôi nhà không chỉ tái hiện không gian sống truyền thống của người Mường mà còn tạo ra một khung cảnh yên bình, thơ mộng, nơi ngôi nhà như được hồi sinh, sống lại với câu chuyện và tinh thần của mình. Được tái dựng trong một không gian như thế, Tàya House dường như chưa từng rời bỏ miền đất của mình. Ngày ngày, Tàya House vẫn giữ nguyên dáng vẻ bình thản nép mình dưới những tán cây cổ thụ, lặng yên lắng nghe tiếng trò chuyện, tâm tình của thiên nhiên hiền hòa xung quanh.

Bên cạnh việc tái dựng nguyên trạng của ngôi nhà, Tàya House còn trưng bày rất nhiều vật dụng gắn liền với cuộc sống thường ngày của đồng bào dân tộc vùng núi phía Bắc như rương gỗ – quà sính lễ của những cặp vợ chồng mới cưới, đèn treo của đồng bào, v.v. Đặc biệt, qua bàn tay tài hoa của họa sĩ Hoàng Tuyển – người chuyên vẽ tranh về chủ đề cộng đồng và dân tộc Việt, trang phục truyền thống của đồng bào vùng Tây Bắc gồm Tày – Thái – Dao – H’mông – Mường – Hà Nhì – Nùng – Phù Lá được thể hiện sinh động trên các bức tranh vẽ được trưng bày bên trong ngôi nhà. Nghệ sĩ Nguyễn Thanh Sơn của Khu nghỉ dưỡng Furama Resort Đà Nẵng cũng đã tái hiện khéo léo các cảnh quan như khu vườn đồi cọ và guồng nước, giúp du khách có thể cảm nhận được không khí và nhịp sống của vùng núi.

Sứ mệnh mới của Tàya House

Hành trình của Tàya House, từ Xứ sở của đá về với Thành phố của biển, thực sự là một hành trình đầy cảm hứng và biểu trưng cho sự giao thoa văn hóa giữa miền núi và miền biển của Việt Nam, giữa truyền thống và hiện đại. Tại Mường Khụ, ngôi nhà sàn là nơi cư trú của một gia đình. Khi về với Đà Nẵng, ngôi nhà trở thành biểu tượng của sự hội nhập và tôn trọng các giá trị truyền thống tốt đẹp của đồng bào.

“Với sứ mệnh tìm kiếm, gìn giữ và lan tỏa giá trị văn hóa đặc sắc của các vùng miền và các dân tộc Việt Nam, Furama Resort Đà Nẵng nỗ lực mang Tàya House đến với du khách như một điểm đến văn hóa độc đáo để khám phá, trải nghiệm. Đến với Tàya House, mỗi bước chân, mỗi ánh nhìn, mỗi hơi thở của du khách sẽ trở thành một phần của câu chuyện văn hóa đặc sắc này” – Ông Quỳnh bày tỏ.

Tại Furama Resort Đà Nẵng, du khách trong và ngoài nước sẽ có cơ hội trải nghiệm không gian sống đậm nét văn hóa của đồng bào Tây Bắc, đồng thời thưởng ngoạn vẻ đẹp thiên nhiên và kiến trúc độc đáo của ngôi nhà và hoà mình vào các hoạt động văn hoá, ẩm thực như lớp dạy nấu ăn, biểu diễn vũ điệu dân tộc, hay các hoạt động thiền định, Yoga,… Qua đây, chúng tôi hy vọng sẽ không chỉ mang đến cho du khách cái nhìn sâu sắc thêm về nền văn hóa dân tộc Mường nói riêng và đồng bào dân tộc miền núi phía Bắc nói chung mà còn là một minh chứng sống động cho sự gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Có thể nói, Tàya House đã trở thành một trung tâm văn hóa cộng đồng – “Cultural Community Hub” – nơi du khách và người dân địa phương cùng hòa mình vào những nét đẹp văn hóa truyền thống, tôn vinh và lan tỏa những giá trị tinh thần đặc sắc của vùng đất này.

Call Now