Hội đàm “Kết nối du lịch Việt Nam – Trung Quốc”
Ngày 8 tháng 12 năm 2024, tại Furama Resort Đà Nẵng đã diễn ra cuộc họp cấp cao giữa Tập đoàn Lữ hành Trung Quốc và Cục Du lịch Việt Nam nhằm thảo luận về các nỗ lực hợp tác thúc đẩy du lịch và tăng cường mối quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Thành phần tham dự:
Đoàn đại biểu Trung Quốc
1. Giản Dịch ,Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn China Travel
2. Trình Xuân Hoa – Phó Tổng Giám đốc Bộ phận Kinh doanh Quốc tế, Tập đoàn Lữ hành Trung Quốc
3. Ngô Minh Nguyên – Ủy viên Đảng ủy, Phó Tổng Giám đốc Công ty Du lịch thuộc Tập đoàn Lữ hành Trung Quốc
4. Trần Hành Liêm – Tổng Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Visa Trung Quốc tại Việt Nam
5. Bà Trần Thị Nga, Phụ trách Trung tâm Visa Đà Nẵng, Trung tâm Dịch vụ Visa Trung Quốc tại Việt Nam (Phiên dịch cuộc họp)
6. Đường Thư, Bộ phận Du lịch MICE, China International Conference & Exhibition Company
Đoàn đại biểu Việt Nam:
1. Ông Hà Văn Siêu – Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam
2. Ông Nguyễn Quý Phương – Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch Việt Nam
3. Ông Cao Trí Dũng – Chủ tịch Liên chi hội Lữ hành Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, Chủ tịch Công ty Việt Nam TravelMart.
4. Ông Nguyễn Đức Quỳnh – Phó Chủ tịch Liên Chi hội Khách sạn Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, Chủ tịch Hội Khách sạn Đà Nẵng, Tổng Giám đốc Công ty CP Khu du lịch Bắc Mỹ An (Furama Đà Nẵng)
Nội dung chính:
Cuộc họp tập trung vào việc tăng cường hợp tác song phương trong lĩnh vực du lịch, giao lưu văn hóa và phát triển thương mại.
(a) Giới thiệu của Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Lữ hành Trung Quốc, ông Giản Dịch:
1. Tập đoàn Lữ hành Trung Quốc là doanh nghiệp trung ương thuộc Chính phủ Trung Quốc, cũng là doanh nghiệp duy nhất trong số các doanh nghiệp trung ương chuyên về du lịch. Tập đoàn hiện sở hữu tài sản trị giá 50 tỷ USD, có 43.000 nhân viên và mang lại lợi nhuận khoảng 1 tỷ USD mỗi năm, với 60 chi nhánh trên toàn cầu.
2. Tại Việt Nam, Tập đoàn có ba trung tâm visa tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Trong năm 2024, Tập đoàn đã xử lý 340.000 hồ sơ visa cho người dân Việt Nam sang Trung Quốc.
3. Tập đoàn cảm ơn Chính phủ Việt Nam đã hỗ trợ trong các dự án hợp tác, đặc biệt là Khu du lịch xuyên quốc gia Trung – Việt tại thác Bản Giốc. Dự án này đã đi vào vận hành từ ngày 15/09/2023 và là một trong những dự án trọng điểm giữa hai nước, với khoảng 15.000 lượt khách, bao gồm 9.000 khách Trung Quốc và 6.000 khách Việt Nam.
4. Tập đoàn cũng phát triển các dự án du thuyền, dự kiến từ tháng 4 năm 2025 sẽ khai thác hai tuyến: Hồng Kông – Hạ Long – Đà Nẵng và Quảng Châu – Đà Nẵng – Hạ Long, với tần suất mỗi tuần một chuyến.
5. Trong năm 2024, Tập đoàn đã tổ chức hai sự kiện giao lưu do Ủy ban Quản lý Tài sản Quốc gia Trung Quốc chỉ đạo, mỗi sự kiện có khoảng 300 doanh nhân Việt Nam tham gia tại Trung Quốc. Tập đoàn hy vọng có thể xây dựng cơ chế tổ chức các hoạt động giao lưu, quảng bá văn hóa và thương mại, thúc đẩy mối quan hệ giữa hai nước.
6. Về mảng miễn thuế (CDF), Tập đoàn đang nghiên cứu khả năng mở rộng tại Việt Nam. Hiện tại, CDF là một trong hai tập đoàn miễn thuế lớn nhất thế giới và đứng đầu tại Trung Quốc.
Tập đoàn mong muốn đóng góp vào sự phát triển du lịch, văn hóa và thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc.
(b) Phát biểu của Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam, ông Hà Văn Siêu:
1. Cảm ơn Phó Tổng Giám đốc Giản Dịch đã chia sẻ thông tin rất ý nghĩa, giúp hiểu rõ hơn về Tập đoàn Lữ hành Trung Quốc và các hoạt động hợp tác hiệu quả với Việt Nam. Chúng tôi đánh giá cao vai trò của một doanh nghiệp lớn như Tập đoàn và hy vọng Tập đoàn sẽ tiếp tục thúc đẩy sự phát triển du lịch hai chiều giữa Việt Nam và Trung Quốc.
2. Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn với du khách Trung Quốc. Năm 2019, Việt Nam đón 6 triệu lượt khách Trung Quốc, trong khi có 8 triệu lượt khách Việt Nam đến Trung Quốc. Năm 2024, lượng khách dự kiến sẽ phục hồi như trước đại dịch.
3. Chúng tôi đồng ý với các đề xuất từ phía Tập đoàn, đặc biệt là việc tổ chức các sự kiện giao lưu, hợp tác nhằm kết nối các doanh nghiệp hai nước. Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng và ông Cao Trí Dũng sẽ làm đầu mối để phối hợp. Chúng tôi mong muốn Tập đoàn tham gia các hội chợ do Việt Nam tổ chức tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh vào tháng 4 và tháng 9 hàng năm.
(c) Phát biểu của ông Cao Trí Dũng – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng:
1. Năm 2019, Đà Nẵng đón 1 triệu lượt khách Trung Quốc trong tổng số 6 triệu lượt khách Trung Quốc đến Việt Nam. Tuy nhiên, hiện tại chưa có chuyến bay thẳng từ Đà Nẵng đến Trung Quốc. Chúng tôi đề nghị Trung tâm Visa Trung Quốc cung cấp thêm thông tin và hỗ trợ để quảng bá dịch vụ visa.
2. Về du thuyền, cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) và cảng Chân Mây (Huế) đang đón nhiều du khách Trung Quốc. Hiệp hội sẵn sàng hỗ trợ bán vé hành trình từ Việt Nam về Trung Quốc.
3. Về miễn thuế, hiện tại tại Đà Nẵng chỉ có Lotte Duty Free. Nếu Tập đoàn có kế hoạch triển khai, Hiệp hội sẽ hỗ trợ kết nối với chính quyền Đà Nẵng.
4. Chúng tôi cũng hy vọng có thể khôi phục các chuyến bay thẳng hoặc chuyến bay charter giữa Đà Nẵng và Trung Quốc.
(d) Phát biểu của ông Nguyễn Đức Quỳnh – Chủ tịch Hội Khách sạn Đà Nẵng, Tổng Giám đốc Công ty CP Khu du lịch Bắc Mỹ An (Furama Đà Nẵng)
1. Tập đoàn Furama hiện hoạt động trong các lĩnh vực khách sạn, ngân hàng (HD Bank) và hàng không (Vietjet Air). Chúng tôi hy vọng có thể đón thêm nhiều du khách Trung Quốc và cung cấp địa điểm tổ chức hội nghị, hội thảo lớn với sức chứa lên đến 3.000 người.
2. Chúng tôi mong muốn hợp tác phát triển cửa hàng miễn thuế cung cấp sản phẩm du lịch, trung tâm thương mại và siêu thị.
Lãnh đạo hai bên nhất trí rằng nên tận dụng xu hướng du lịch của giới trẻ để thúc đẩy quảng bá du lịch giữa hai nước.