Tăng cường chính sách thu hút người nước ngoài
Nhờ tăng cường các chính sách hỗ trợ, Đà Nẵng khá thành công trong việc thu hút các tổ chức, cá nhân và chuyên gia nước ngoài đến đầu tư, sinh sống và làm việc. Điều này góp phần làm cho bức tranh kinh tế và văn hóa của thành phố ngày càng đa dạng và phong phú hơn.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Đến từ quốc gia có nền giáo dục và khoa học công nghệ tiên tiến, Tiến sĩ Kasia Weina (Mỹ), đồng sáng lập Tổ chức Tư vấn và Phát triển dự án quốc tế Evergreen Labs (EGL) có trụ sở tại quận Ngũ Hành Sơn cho biết, lý do bà chọn Đà Nẵng để thực hiện các dự án của EGL là thành phố có nhiều chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư nước ngoài, từ việc giảm thuế đến đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho dự án phát triển. Bên cạnh đó, Đà Nẵng có nguồn nhân lực trẻ, năng động, được đào tạo bài bản và sẵn sàng tham gia vào các dự án hỗ trợ cộng đồng.
Là tiến sĩ chuyên ngành hóa sinh (gồm hóa học và sinh học), bà Kasia Weina có đủ năng lực làm việc tại các tập đoàn hóa chất lớn ở nước Mỹ với mức lương cao nhưng vẫn chọn Đà Nẵng để theo đuổi sự nghiệp bảo vệ môi trường và trở thành một trong số ít người nước ngoài truyền cảm hứng bảo vệ môi trường cho giới trẻ thành phố. Trong hành trình này, bà coi Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung là quê hương thứ hai. Cùng với dự án EGL, bà tập trung nghiên cứu, tìm kiếm những giải pháp bền vững, như giảm thiểu rác thải tại nguồn thông qua dịch vụ đóng chai thủy tinh nhằm loại bỏ đồ nhựa sử dụng một lần tại resort Hyatt, Premier Village Danang, khách sạn Novotel… Thông qua hiệu ứng domino, nữ tiến sĩ xây dựng chuỗi kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực du lịch và tạo chuỗi cung ứng toàn diện cũng như hỗ trợ giải pháp thay thế bền vững.
Theo bà Weina, việc cộng tác với nhà cung cấp để đưa ra các lựa chọn có thể phân hủy sinh học hoặc tái sử dụng giúp giảm sự phụ thuộc vào nhựa trong suốt thời gian trải nghiệm du lịch của du khách. Hiện nay, dây chuyền sản xuất của EGL có thể chiết rót 5 triệu chai nước mỗi năm, tương đương với việc giảm 1.044 tấn khí thải carbon ở mỗi nhà máy. Bên cạnh đó, việc thiết lập mạng lưới người thu gom rác (The Collector Network) nhằm cung cấp phương pháp, kỹ năng và cách xử lý rác bền vững của EGL như lời cảm ơn dành cho Đà Nẵng – thành phố có môi trường sống hài hòa với thiên nhiên và có nguồn tài nguyên phong phú cần gìn giữ.
Bãi biển đẹp, khí hậu ôn hòa, môi trường sống an toàn cùng điểm đến du lịch ấn tượng giúp Đà Nẵng trở thành lựa chọn của ông Gentzsch Andre Piere, Tổng Giám đốc vận hành Quần thể Du lịch Furama – Ariyana Đà Nẵng. Hơn 2 năm tham gia lĩnh vực du lịch tại đây, ông đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của ngành du lịch Đà Nẵng và đóng góp tích cực vào việc nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo ra những trải nghiệm đẳng cấp cho du khách quốc tế.
Theo ông, Đà Nẵng có tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định, là trung tâm kinh tế, du lịch hàng đầu khu vực miền Trung mở ra cơ hội cho những dự án kinh doanh và phát triển bền vững. Đối với lĩnh vực du lịch, các chương trình xúc tiến, các lễ hội văn hóa, ẩm thực dành cho người nước ngoài đã tạo điều kiện để doanh nghiệp du lịch, trong đó có Công ty CP Khu Du lịch Bắc Mỹ An thu hút nguồn khách quốc tế đến Furama. Trong quá trình vận hành quần thể du lịch Furama – Ariyana Đà Nẵng, ông nhận thấy chính quyền thành phố, các sở, ban, ngành đã dành sự ưu ái cho địa chỉ này, bằng chứng là các hội thảo quốc tế, hội thảo thu hút đầu tư do Đà Nẵng tổ chức đều chọn Ariyana làm điểm ưu tiên.
“Sự lựa chọn này không chỉ phản ánh chất lượng dịch vụ và cơ sở hạ tầng của chúng tôi mà còn thể hiện sự tin tưởng, hỗ trợ từ phía chính quyền đối với doanh nghiệp. Nhờ sự hợp tác chặt chẽ và môi trường kinh doanh thuận lợi mà chúng tôi có thể cống hiến nhiều hơn cho sự phát triển bền vững, đồng thời góp phần nâng cao vị thế của thành phố trên bản đồ du lịch quốc tế”, ông Piere đúc kết.
Thu hút bằng chính sách
Đà Nẵng hiện có gần 30.000 người nước ngoài sinh sống và làm việc, trong đó đa phần là người dân đến từ các quốc gia châu Á, châu Âu. Nhiều ý kiến cho rằng, sự hiện diện của người nước ngoài đã tạo nên một môi trường đa văn hóa, nơi các giá trị, phong tục cũng như nét ẩm thực, thời trang từ nhiều quốc gia được giao thoa, giúp Đà Nẵng trở thành điểm đến quốc tế năng động và hấp dẫn.
Bên cạnh những điều kiện thuận lợi về tự nhiên, con người, lãnh đạo thành phố luôn quan tâm xây dựng chính sách hỗ trợ nhằm thu hút các tổ chức, cá nhân nước ngoài, các chuyên gia, kiều bào đến Đà Nẵng đầu tư, sinh sống. Trong đó, đáng chú ý là chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp từ 15 đến 30 năm (miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong những năm đầu, giảm 50% trong những năm sau) và miễn thuế nhập khẩu đối với một số loại hàng hóa, máy móc thiết bị không thể sản xuất trong nước với mục tiêu thu hút các dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Mới đây nhất, để đón làn sóng đầu tư, Đà Nẵng quyết định thành lập Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực thiết kế vi mạch bán dẫn, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, chuẩn bị sẵn sàng quỹ đất sạch, cơ chế hỗ trợ, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi cho doanh nghiệp FDI.
Ở khía cạnh này, ông Piere đánh giá, ngay khi có quyết định đến Đà Nẵng làm việc, ông được chính quyền thành phố hỗ trợ visa, giấy phép lao động dành cho đối tượng chuyên gia, người nước ngoài đến Đà Nẵng đầu tư. Cùng với đó, cơ chế phối hợp giữa Sở Ngoại vụ, Công an thành phố và các cơ quan chức năng trong công tác quản lý cư trú và hoạt động của người nước ngoài trên địa bàn giúp ông yên tâm gắn bó với môi trường du lịch sôi động tại đây.
Những năm qua, sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành du lịch, dòng vốn đầu tư nước ngoài đã đồng thời thúc đẩy sự phát triển các ngành dịch vụ liên quan như bất động sản, thương mại, dịch vụ, mang lại nhiều cơ hội việc làm và tăng cường sức hấp dẫn của Đà Nẵng trên trường quốc tế. Chẳng hạn, trong quý đầu tiên của năm 2024, lượng khách quốc tế đến Đà Nẵng đã đạt gần 636.000 lượt, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm trước. Đến cuối năm 2023, thành phố này chào đón 1.017 dự án FDI với tổng vốn lên tới hơn 4,25 tỷ USD, góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế địa phương theo hướng bền vững. Giám đốc Sở Ngoại vụ Nguyễn Xuân Bình khẳng định Đà Nẵng đánh giá cao những đóng góp và tình cảm của các tổ chức, cá nhân người nước ngoài dành cho thành phố ở tất cả lĩnh vực đầu tư kinh tế, du lịch, dịch vụ, môi trường và các dự án hỗ trợ cộng đồng, trẻ em, người yếu thế…
Thay lời cảm ơn, hằng năm, Sở Ngoại vụ tham mưu UBND thành phố tổ chức chương trình gặp mặt người nước ngoài dịp Tết Nguyên đán, qua đó trao tặng bằng khen cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài nhằm tri ân những đóng góp của họ vào sự phát triển chung. “Thời gian đến, với chính sách thu hút đầu tư, du lịch cũng như việc thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển kinh tế thành phố, tôi tin rằng Đà Nẵng sẽ tiếp tục là điểm đến hấp dẫn, thu hút nhà đầu tư hay các tổ chức, cá nhân nước ngoài đến sinh sống, làm việc và sử dụng các dịch vụ du lịch tại địa phương”, ông Bình kỳ vọng.
Nguồn: Tiểu Yến – Báo Đà Nẵng Online